Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Trứng, cà rốt và hạt cà phê - khó khăn trong c.sống

Trứng, cà rốt và hạt cà phê

Cô con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời.
Người con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.
Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. “Mềm lắm cha ạ”, cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
-Điều này nghĩa là gì vậy cha – cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.
Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.
Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?
Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.
Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?

Quy luật của cuộc sống


Quy luật của cuộc sống
Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách.
Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: "Tôi ghét người".
Từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người".
Cậu hoảng hốt quay về sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có người ghét cậu
.Người mẹ nắm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng.
Bà nói:
-Giờ thì con hãy hét thật to: "Tôi yêu người".
Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: "Tôi yêu người".
Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu:
-Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con.

Chiếc vỹ cầm một dây

Chiếc vỹ cầm một dây


Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông. Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh dưới cần đàn của ông.

Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp. Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng “hoan hô”.

Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chổ ngồi của mình. Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy. Ông gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông. Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: “Đây là Paganini với một dây đàn!”

Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn. Trong lúc khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc.

Cuộc sống của chúng ta có lẽ luôn ngập tràn bao rắc rối, lo toan, thất vọng và những điều bất cập. Thành thật mà nói, chúng ta mất hầu hết thời gian để tập trung và băn khoăn về những dây đàn bị đứt đoạn, dở dang, và những điều bất chợt – tất cả đều không thể đổi thay được.

Phải chăng bạn vẫn đang buồn đau vì những cung đàn bị đứt đoạn trong đời?

Có phải chỉ với dây đàn còn lại mà bạn sẽ chơi lạc điệu không?

Nếu đúng thế, liệu tôi có thể khuyên bạn đừng nản lòng, cứ tiếp tục và bắt đầu chơi lại chỉ với một dây đàn.

Hãy để nó ngân lên một giai điệu ngọt ngào mà cả thế giới khát khao với đầy ngẫu hứng.

Bạn có thể làm được nếu bạn muốn.

Sưu tầm

Bài văn bị điểm 0 - trung thực

Bài văn bị điểm 0
- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba.

Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?"

- Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.
Tôi thở dài:- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?

- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. 

Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba đứa khác?" Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.

Chuyện về cậu học sinh có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực

Sưu tầm

Chú ếch

Có một chú ếch được thả vào một cái nồi nước lạnh.
Cái nồi nước đó không hề đậy vung và rồi được để lên một cái bếp.
Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ta không hề có phản ứng gì. Sau đó, nước cứ từ từ ấm dần lên, nhưng chú ta không hề để ý được đến điều đó. Tại sao ư? Tại vì nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ và khiến chú ta quen với điều đó.
Càng về sau, nồi nước càng tăng nhiệt độ, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi.
Đến khi nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã được luộc trong nồi nước đó.

Đây là một câu chuyện kinh điển về sự thay đổi. Vì nồi nước cứ nóng dần dần khiến chú ếch không hề để ý đến và cuối cùng là bị chết trong nồi nước sôi. Giả sử, nếu thả chú ếch đó vào nồi nước khi nước đã nóng rồi và cũng không đậy vung thì chắc hẳn chú ếch sẽ cố mà nhảy ra cho được.
Cuộc sống con người cũng thế. Chúng ta đã quen với những việc thường ngày đã xảy ra và không hề muốn thay đổi, hay thậm chí sợ sự thay đổi, sợ tiếp nhận cái mới. Nhưng thực tế thì cuộc sống của chúng ta thay đổi hàng ngày và nếu chúng ta không chú ý đến thì cũng lại đã quá muộn.
Còn khi đối diện với một sự thay đổi rõ rệt thì khi đó ta cuống lên, ta sợ. Liệu khi đó ta có thể đối diện được với sự thay đổi hay không? Ta có thể chấp nhận sự thay đổi hay không? Khi đó có là quá muộn không?

Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi sự thay đổi.
Hãy nhìn nhận cẩn thận mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Hãy đối diện và chấp nhận những thay đổi đang diễn ra để bản thân thay đổi theo nó cho phù hợp.

Sưu tầm

Tầng 80 - ước mơ

Tầng 80

Có hai anh em sống trên tầng 80 của một chung cư cao ngất. Một ngày kia về nhà sau giờ làm việc, họ choáng váng nhận ra thang máy của chung cư bị hư. Họ buộc phải leo bộ lên căn hộ của mình.


Sau khi vất vả lên đến tầng 20, thở hổn hển và mệt mỏi, họ quyết định để túi xách của mình lại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người em bắt đầu lầm bầm và sau đó cả hai cãi nhau. Họ vừa tiếp tục những bước chân nặng nề của mình, vừa cãi nhau cho đến tầng 60. Bỗng họ nhận ra rằng mình chỉ còn 20 tầng nữa thôi. Họ quyết định ngừng cãi và tiếp tục leo lên trong sự bình an. Họ yên lặng leo lên và cuối cùng cũng đến được căn hộ của mình. Đến nơi họ mới phát hiện đã để chìa khóa nhà trong túi xách lúc nãy để lại ở tầng 20.
Câu chuyện này cũng tựa như cuộc đời chúng ta. Nhiều người sống trong sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và bạn bè khi còn bé. Chúng ta hiếm khi thực hiện những gì mình thật sự muốn, luôn chịu rất nhiều áp lực và sự căng thẳng đến nỗi đến năm 20 tuổi, chúng ta mệt mỏi và quyết định vứt bỏ gánh nặng này đi.
Chúng ta sống một cách năng nổ và có những ước mơ lớn. Nhưng khi đến 40 tuổi, chúng ta bắt đầu đánh mất tầm nhìn và những giấc mơ của mình, cảm thấy không thỏa mãn và bắt đầu phàn nàn, chỉ trích. Đến tuổi 60, chúng ta nhận ra mình không còn nhiều thì giờ nữa để phàn nàn và chúng ta bước đi trong sự bình an, thanh thản. Chúng ta nghĩ không còn điều gì làm mình thất vọng nữa. Và rồi chợt nhận ra rằng không thể nào ngơi nghỉ trong sự bình an vì chúng ta còn những giấc mơ chưa thực hiện được - những giấc mơ mà chúng ta vứt bỏ cách đây 60 năm.
Vậy ước mơ của bạn là gì? Hãy đi theo những ước mơ của mình để không phải sống trong sự tiếc nuối.

Sưu tầm

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài học từ loài ngỗng


Bài học từ loài ngỗng

Vào mùa thu, khi bạn thấy đàn ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào đó có thể rút ra từ đó? Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẫy cho con ngỗng bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một.

Khi là thành viên của một nhóm, ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, ta sẽ đi đến nói ta muốn nhanh hơn và dễ dàng hơn, vì ta đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Mỗi khi con ngỗng bay lạc hỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ và được hưởng những ưu thế của sức mạnh bầy đàn.

Nếu chúng ta cũng cảm nhận sự tinh tế của loài ngỗng, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin với những người cũng đang cùng một mục tiêu như chúng ta.

Khi con ngỗng đầu đàn mệt mỏi, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.

Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận.

Tiếng kêu của đàn ngỗng từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng. Những lời động viên sẽ tạo nên sức mạnh cho những người đang ở đầu con sóng, giúp họ giữ vững tốc độ, thay vì để họ mỗi ngày phải chịu đựng áp lực công việc và sự mệt mỏi triền miên.

Cuối cùng khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đên khi nào con ngỗng bị thương có thể bay lại được hoặc là chết và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác và bay về Phương Nam.
Nếu chúng ta có tinh thần của loài ngỗng, chúng ta sẽ sát cánh bên nhau khi có khó khắn. Lần sau có cơ hội thấy một đàn Ngỗng bay bạn hãy nhớ....Bạn đang hưởng một đặc ân khi là thành viên của một nhóm.